Tháp Bà Ponagar Nha Trang, một di tích lịch sử nổi tiếng với kiến trúc độc đáo đậm nét văn hóa Chăm Pa cổ, ghi dấu cho một thời kỳ Hindu giáo phát triển rực rỡ.
Nơi đây vẫn được rất nhiều du khách lựa chọn cho hành trình khám phá Nha Trang. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật vô cùng độc đáo của người Chăm cổ đáng để trải nghiệm.
Truyền thuyết tháp Bà Ponagar Nha Trang
Theo thuyết minh về Tháp Bà Ponagar, “Ponagar” trong tiếng Chăm có nghĩa là “mẹ xứ sở”. Đây là nơi thờ nữ thần Po Ina Nagar nên Tháp Bà còn có tên gọi khác là Tháp Yang Po Inư Nagar (hay Yang Pô Ana Gar).
Công trình này được xây dựng từ khoảng thế kỷ VII đến thế kỷ XIII – thời kỳ hưng thịnh của vương quốc Chăm Pa và Hindu giáo.
Với người Chăm Pa xưa, nữ thần Po Ina Nagar là Thiên Y Thánh Mẫu, là người tạo dựng ra trái đất, sản sinh ra cây cối, lúa gạo cho người dân.
Do đó, họ coi bà như khởi nguyên của sự sống và thờ phụng bà nhằm mong cầu cho mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt.
Có lẽ vì thế mà đây là nơi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của người Chăm cũng như chứa đựng nhiều tinh hoa nghệ thuật trong lối kiến trúc độc đáo.
Chiêm ngưỡng kiến trúc Chăm cổ của Tháp Bà Ponagar
Tổng thể công trình được chia ra thành 3 khu vực: Tháp Cổng, Mandapa (hay còn gọi là khu tiền đình) và khu đền tháp. Trải qua biến động lịch sử và dấu tích thời gian, hiện nay chỉ còn lại 5 công trình nằm tập trung chủ yếu ở khu Tiền Đình và Đền Tháp.
Mandapa (Khu Tiền Đình)
Tổng thể kiến trúc đều được xây dựng bằng gạch nung với 4 hàng cột lớn, bao gồm 12 cột nhỏ bên ngoài hình bát giác và 10 cột lớn ở phía trong với các lỗ mộng.
Phía đông Mandapa có 2 cột nhỏ, nằm ở 2 bậc lên xuống của Tiền Đình và được hướng thẳng ra cổng chính.
Theo những dấu tích xưa còn sót lại, kiến trúc của người Chăm Pa xưa tạo nên một trục thẳng thần đạo, hướng tâm đến tháp chính, nơi thờ mẹ Thiên Y A Na.
Khu đền tháp
Khu đền tháp có tổng cộng là 6 tháp nhưng hiện tại chỉ còn 4 tháp và các tháp hầu hết đều được xây dựng theo dáng bình đồ hình vuông, phía trên thiết kế theo hình chóp nón.
Tháp Đông Bắc – tháp cao nhất thờ tượng Nữ Thần Ponagar. Tháp Nam – lớn thứ 2 thờ thần Shiva – chồng Nữ Thần.
Tháp cuối cùng là tháp Tây Bắc, tháp cao thứ 3, và là nơi thờ ông bà Tiều – người đã cưu mang và nuôi dưỡng vị Nữ Thần Thiên Y A Na.
Bia ký
Bia Ký tại Tháp Bà có giá trị lớn về mặt văn hóa, tôn giáo và lịch sử của Vương quốc Chăm Pa cổ xưa. Di tích Tháp Bà có tổng cộng 28 đơn vị minh văn trong đó có tấm bia mang nhiều giá trị lịch sử do quan Thượng thư bộ Lễ triều Nguyễn – Phan Thanh Giản biên soạn bằng tiếng Hán – Nôm về truyền thuyết Thiên Y A Na Thánh Mẫu của người Việt.
- Năm 1979, Tháp Bà Ponagar Nha Trang được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia.
- Năm 2012, Lễ hội Tháp Bà Ponagar được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
- Lễ hội Tháp Bà diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm.
>>> Bình yên tại Chùa Long Sơn Nha Trang
Tháp bà Ponagar Nha Trang ở đâu?
Tháp Bà Ponagar Nha Trang nằm ở đường 2/4, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Nhìn từ phía xa du khách sẽ dễ dàng nhìn thấy một khu tháp uy nga tọa lạc trên quả đồi nhỏ bên bờ sông Cái hiền hòa, có độ cao 50m.
Tháp Bà Ponagar nằm ngay trong trung tâm thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, vì thế du khách có thể dễ dàng đến thăm và chiêm ngưỡng công trình kiến trúc được trang trí tinh xảo, trang nhã.
Cách di chuyển đến tháp bà Ponagar Nha Trang?
Để di chuyển đến tháp bà Ponagar Nha Trang thì rất dễ dàng! Bạn chỉ cần đi dọc theo đường Trần Phú về hướng Bắc, sau khi qua cầu Trần Phú thì rẽ vào đường Tháp Bà. Chạy thêm đến cuối đường là sẽ thấy ngay quần thể kiến trúc Tháp Bà ngay nhé.
Nơi đây chỉ cách trung tâm Nha Trang khoảng 2km, du khách có thể lựa chọn nhiều loại phương tiện như xe máy, xe bus, taxi, ô tô,… Nếu chưa nắm rõ giao thông thì thuê xe điện Nha Trang đi đến Tháp Bà chính là cách tốt nhất nhé!
Thông tin giá vé tham quan
Thời điểm hiện tại (12/2023) thì giá vé Tháp Bà Ponagar được thu theo quy định của tỉnh Khánh Hoà với mức là 10,000 đồng, bằng với mức giá vé Hòn Chồng.
Giá sẽ được tăng lên 30,000 đồng kể từ ngày 01/01/2023. Miễn vé với một số trường hợp theo quy định. Có thể nói rằng mức giá vé tham quan Tháp Bà Ponagar Nha Trang là rất phải chăng và không cần nghĩ ngợi gì cả !
Giờ mở cửa
Tháp Bà mở cửa đón khách từ 08h00 đến 16h00 hàng ngày. Nếu bạn có đi tour 3 đảo Nha Trang thì vẫn có thể tham quan Tháp Bà được.
Như đã nói ở trên thì Tháp Bà Ponagar Nha Trang là một trong 4 điểm du lịch City Tour nên thường mọi người sẽ đi trong một ngày ở tất cả những điểm này.
Những trải nghiệm hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến tháp Bà Ponagar Nha Trang
Theo cảm nghĩ về đến tháp bà Ponagar Nha Trang của nhiều du khách
của nhiều du khách, đây không chỉ là công trình kiến trúc độc đáo mà còn có nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc. Dưới đây là một số điểm hấp dẫn của địa điểm du lịch Nha Trang này mà bạn không nên bỏ lỡ.
Thưởng thức điệu múa Chăm
Múa Chăm là hoạt động nghệ thuật được đưa vào biểu diễn đầu tiên tại Tháp Bà Ponagar Nha Trang. Du khách có thể tận mắt chứng kiến những vũ điệu múa đặc trưng của Vương quốc Chăm cổ xưa.
Điều này không chỉ lưu giữ nét đẹp quá khứ của một đế chế vàng son mà còn là cách để quảng bá văn hóa vùng miền đến bạn bè quốc tế khắp năm châu.
Hoà mình vào lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang
Lễ bái ở Tháp Bà diễn ra vào ngày 21 – 23 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội này nhằm để thể hiện lòng biết ơn của nhân dân với Bà Mẹ Xứ Sở và trải nghiệm thiết thực nhất về văn hóa cội nguồn.
Du khách sẽ có thể tận mắt chiêm ngưỡng các nghi lễ truyền thống như lễ thay xiêm y, lễ cúng, hay lễ tắm tượng hiến tế và lễ thả đèn hoa đăng bên dòng sông Cái Nha Trang.
Chiêm ngưỡng kiến trúc Chăm Pa cổ xưa
Nếu bạn là du khách đam mê tìm hiểu về kiến trúc Chăm Pa cùng Hindu giáo, Tháp Bà Ponagar chắc chắn sẽ là điểm dừng chân lý tưởng.
Nhiều chuyên gia khảo cổ học đánh giá quần thể Tháp Bà Ponagar Nha Trang là một trong những công trình có kiến trúc độc đáo và tương đối hoàn chỉnh.
Tắm bùn khoáng tại Tháp Bà
Khu tắm bùn Tháp Bà chỉ cách khu di tích chính khoảng tầm 2km. Các dịch vụ nổi tiếng tại đây như: tắm ôn tuyền thủy liệu pháp, ngâm tắm bùn khoáng, jacuzzi,….
Theo tài liệu y khoa, tắm bùn có tác dụng điều trị các loại bệnh liên quan đến khớp, thần kinh, da liễu và giúp làn da thêm tươi trẻ, săn chắc và mịn màng hơn.
Những lưu ý khi tham quan Tháp Bà Ponagar Nha Trang
Không chỉ là địa điểm tham quan thông thường, Tháp Bà Ponagar còn là nơi thờ phụng của người Chăm. Vì vậy, bạn cần lưu ý một số điều sau khi đến đây tham quan.
- Không bình phẩm, nói những lời khiếm nhã liên quan đến nữ thần Ponagar.
- Không mang thức ăn từ bên ngoài vào, không ăn uống hay xả rác bừa bãi trong khuôn viên.
- Mặc trang phục lịch sự, kín đáo nếu bạn muốn vào thắp nhanh, khấn bái bên trong điện. Trong trường hợp mặc trang phục không phù hợp, bạn có thể mượn áo lam ở khu vực tháp chính.
- Đừng quên thoa kem chống nắng, đội mũ, đeo kính râm hoặc đem theo ô để sử dụng khi trời nắng
Nét đẹp văn hóa Chăm Pa cổ xưa luôn là một điều gì đó bí ẩn khiến những ai đã từng đặt chân đến Nha Trang đều phải ghé thăm công trình kiến trúc cổ này.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm, Tháp Bà Ponagar Nha Trang như một chứng nhân lịch sử mang nhiều dấu tích thời gian và cũng là nơi lưu giữ trọn vẹn vẻ đẹp của một nền văn hóa xưa